I. TỔNG QUAN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CACBON THẤP TRÊN THẾ GIỚI.
Thế giới đang có bước chuyển căn bản sang nền kinh cacbon thấp, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nghiệp cacbon thấp trở thành nhân tố quan trọng của quá trình chuyển đổi, đóng góp quan trọng nhất trong việc giảm lượng phát thải cacbon của các quốc gia và trên thế giới. Tiếp cận phát triển công nghiệp cacbon thấp trên thế giới khác nhau, phụ thuộc vào tiềm năng và cơ hội của mỗi nước. Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hướng tới phát triển bền vững, vì vậy nghiên cứu và phát triển công nghiệp các bon thấp chính là con đường phù hợp với lộ trình tăng trưởng xanh mà Chính phủ sắp đưa ra trong tháng 6 tới đây.
Ba mục tiêu phát triển nền kinh cacbon thấp của châu Âu: phát triển bền vững, sức cạnh tranh và an ninh cung cấp (Hình minh họa của Europia)
Bối cảnh
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức phát triển lớn nhất mà Đông Nam Á phải đối mặt trong thế kỷ 21.
Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC 2007), trong vòng 150 năm qua, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng 0,76o C. Sự ấm lên toàn cầu đã gây nên tình trạng biến đổi khí hậu, thể hiện qua những thay đổi về xu hướng mưa và sự gia tăng tần suất và cường độ của những hiện tượng thời tiết cực đoan, dẫn đến mực nước biển dâng cao.
Nguyên nhân của những hiện tượng thời tiết bất thường là do kết quả của phát thải khí nhà kính do con người gây nên. Đông Nam Á được coi là khu vực dễ tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù thích ứng là ưu tiên của Đông Nam Á, song khu vực này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc góp sức vào nỗ lực toàn cầu giảm thiểu khí nhà kính, tích cực theo đuổi một chiến lược tăng trưởng cacbon thấp.
Năm 2000, khu vực này đóng góp 12% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương đương 5.187 triệu tấn dioxit cacbon (MtCO2-eq), tăng 27% so với năm 1990. Mức tăng này cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu. Nguồn thải lớn nhất trong khu vực là chuyển đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (chiếm 75% lượng phát thải), tiếp đến năng lượng (15%) và nông nghiệp (8%).
Trong đó, tăng nhanh nhất là lĩnh vực năng lượng, mức tăng 83% trong vòng 10 năm từ 1990 – 2000.
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, Chính phủ đang phải nỗ lực hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời một chiến lược tổng hợp cũng đang được triển khai nhằm giảm thiểu phát thải cacbon và tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện sản xuất sạch hơn, thực chất là hướng đến ngành công nghiệp cacbon thấp.
Trên con đường công nghiệp hóa, tổng phát thải CO2 của Việt Nam dự báo sẽ tăng nhanh trong tương lai cùng với tốc độ tăng dân số và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực được dự báo có tiềm năng giảm thiểu lớn nhờ chuyển đổi năng lượng từ sử dụng than sang khí tự nhiên, sử dụng năng lượng thay thế và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp, nhất là những ngành sử dụng năng lượng lớn.
Khái niệm công nghiệp các bon thấp và năng lượng các bon thấp
Hiện nay, khái niệm “công nghiệp các bon thấp” (low cacbon industry) chưa có định nghĩa chính thức, mặc dù một số nước đã đề ra và đang thực hiện chiến lược phát triển “công nghiệp cacbon thấp”, vì vậy các khái niệm “công nghiệp cacbon thấp” mang tính chiến lược quốc gia hơn là một khái niệm đơn thuần.
Thực ra, khái niệm này xuất phát từ nền kinh tế ít cacbon (Low – carbon economy – LCE), hay còn gọi là nền kinh tế sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch (low – fossil fuel economy – LFFE) được định nghĩa là nền kinh tế thải ra ít nhất các khí nhà kính vào bầu sinh quyển. Đây chính là nền kinh tế dịch vụ, nền kinh tế ở các nước phát triển, trong đó các ngành công nghiệp thải nhiều cácbon như: công nghiệp nặng, nhà máy sản xuất dần được chuyển dịch sang các nước đang và kém phát triển.
Ở Anh, khái niệm “công nghiệp cacbon thấp” được hiểu bao gồm 3 nội dung chính: khu vực môi trường (Environmental Sector), năng lượng tái tạo (Renewable Energy Sector), và cacbon thấp mới nổi (Emerging low carbon Sector).
Còn ở Mỹ, công nghiệp cacbon thấp bao hàm nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp (chuyển đổi đất nông nghiệp, canh tác nông nghiệp, lựa chọn cây trồng, sử dụng nước, an ninh lương thực), đến năng lượng tái tạo và chuyển đổi, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, tòa nhà, xử lý chất thải, chế biến, khai thác tài nguyên. Tất cả các khía cạnh hoạt động công nghiệp liên quan đến phát thải cacbon đều thuộc công nghiệp cacbon thấp.
Năng lượng là phần cơ bản nhất hình thành nên ngành công nghiệp, do vậy để phát triển ngành công nghiệp các bon thấp đồng nghĩa với phát triển nguồn năng lượng này.
Ý tưởng về năng lượng cacbon thấp nảy sinh khi thế giới bị tác động mạnh bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, cần thiết phải cắt giảm lượng phát thải cacbon dioxit ra môi trường.
Năm 1988, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được thành lập bởi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm đầu tiên về năng lượng cacbon thấp (Low carbon power).
IPCC tiếp tục đưa ra các chỉ dẫn về mặt khoa học, kỹ thuật và kinh tế xã hội của năng lượng cacbon thấp đối với cộng đồng, thông qua các nghiên cứu thường niên và chuyên đề.
Bước đi đầu tiên mang tính quốc tế, theo hướng phổ biến năng lượng cacbon thấp chính là việc ký Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol), bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 16/02/2005. Theo đó, các nước công nghiệp hóa cam kết giảm phát thải cacbon.
Sự kiện lịch sử trên đây cũng tạo ra các ưu tiên chính sách tại nhiều quốc gia cho phát triển các công nghệ năng lượng cacbon thấp.
Như vậy, năng lượng cacbon thấp là nguồn năng lượng tạo ra ít phát thải khí nhà kính hơn các nguồn năng lượng truyền thống. Năng lượng cacbon thấp bao gồm cả nguồn năng lượng không cacbon (zero cacbon power) như: gió, mặt trời, địa nhiệt và hạt nhân.
Ngoài ra, năng lượng cacbon thấp còn được tính cả nguồn năng lượng có mức phát thải thấp (Lower-level emissions) như: khí tự nhiên và cả công nghệ xử lý cacbon dioxit như công nghệ thu giữ cacbon. Các công nghệ sản sinh năng lượng giảm đáng kể lượng phát thải cacbon so với nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, khái niệm “ năng lượng cacbon thấp” còn bao gồm các nguồn năng lượng khác như: khí tự nhiên, than, song phải kết hợp với kỹ thuật giảm phát thải cacbon từ trong quá trình đốt nhiên liệu.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng năng lượng tái tạo (renewable energy), như là cơ sở nền tảng của công nghiệp cacbon thấp.
Tuy nhiên, điều này đi liền với vấn đề chi phí cao và không dễ được chấp nhận vào thời điểm hiện nay, nó chỉ thay đổi một khi giá dầu lên cao và năng lượng hóa thạch trở nên khan hiếm.
Mô hình phát triển các bon thấp trên thế giới
Có thể nói, sự ra đời của Nghị định thư Kyoto là thoả thuận ràng buộc quốc tế có tính pháp lý đầu tiên quy định chỉ tiêu giảm thải khí nhà kính đối với các nước phát triển trên thế giới.
Năm 2007, Costa Rica là nước đầu tiên tuyên bố sẽ trở thành quốc gia không cacbon vào năm 2021 (first carbon neutral country by 2021) với chương trình trồng rừng hiệu quả.
Iceland là nước đi đầu trong việc sử dụng năng lượng mới tái tạo, có thể coi là số ít trong các nền kinh tế ít cacbon trên thế giới. Iceland sử dụng phần lớn năng lượng địa nhiệt, thủy điện và năng lượng mới tái tạo.
Từ 1999, nguồn năng lượng đó chiếm 70% năng lượng sơ cấp của Iceland, và 99,9 % năng lượng điện của Iceland. Kết quả của chính sách như vậy, lượng phát thải cacbon đầu người của Iceland thấp hơn 62% so với Mỹ, mặc dù mức sử dụng năng lượng sơ cấp cao hơn. Iceland đang phấn đấu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào 2050, bằng cách tạo ra nhiên liệu hydrogen (Hydrogen fuel) từ nguồn năng lượng mới.
Úc có kế hoạch chuyển dịch nền kinh tế sang nền kinh tế cacbon thấp. Năm 2001, chính phủ của Thủ tướng Howard đã đưa ra Kế hoạch đặt mục tiêu bắt buộc về sử dụng năng lượng mới (MRET). Năm 2007, kế hoạch MRET được điều chỉnh sử dụng 20% sản lượng điện từ nguồn năng lượng mới vào năm 2020. Năm 2009, Chính phủ của thủ tướng Ruud đã luật hóa một kế hoạch cắt giảm phát thải ngắn hạn, được coi như sự bổ sung vào MRET.
Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp 8 – 10% tổng năng lượng quốc gia của Úc và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào than và xuất khẩu dường như đi ngược với khái niệm nền kinh tế cacbon thấp được đề ra. Kết quả, không có được sáng kiến thiết thực nào được đưa ra, và mục tiêu trở thành tự nguyện hơn là bắt buộc.
Nước Anh đã ban hành Đạo luật về biến đổi khí hậu, trong đó phác thảo khung kế hoạch chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế cacbon thấp, sau đó đã trở thành Luật vào 26/11/2008. Luật quy định, cắt giảm 80% phát thải CO2 vào năm 2050, so với 1990, cùng với mục tiêu trung gian 26 – 32% vào năm 2020. Nước Anh trở thành nước đầu tiên đưa ra kế kế hoạch cắt giảm CO2 dài hạn vào Luật.
Thụy Điển, với chiến lược khí hậu được phát triển nhất quán từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 1990 và phát triển năng lượng đạt ít nhất 50% từ các nguồn tái tạo. Năm 2005 chính phủ Thuỵ Điển đã thành lập Hội đồng quốc gia xây dựng một chương trình toàn diện nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này đối với xăng dầu, khí thiên nhiên và các nguyên nhiên liệu hóa thạch khác, hướng tới mục tiêu “biến Thuỵ Điển thành một xã hội không sử dụng dầu…”
Braxin là đối tác quan trọng của Chương trình tăng trưởng cacbon thấp (Low Carbon Growth Country Studies Program). Chương trình đặt mục tiêu quan tâm hàng đầu vào sử dụng đất và mô hình chuyển đổi đất, bao gồm cả việc hủy hoại rừng, các phương án sử dụng năng lượng, giao thông, quản lý chất thải và các vấn đề liên ngành.
Kể từ năm 2007, bắt đầu chương trình, một số tác động đã có thể thấy rõ như chi tiết mô hình phát triển các ngành, các kỹ thuật mới, chia sẻ thông tin, và sự hợp tác giữa chính phủ Braxin với các nhóm tư vấn kỹ thuật về biến đổi khí hậu, các bộ, ngành, thể chế và các cơ quan khác của chính phủ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra đường cong chi phí liên quan đến phát thải khí nhà kính, các mô hình giao thông và đô thị, các kịch bản cacbon thấp đến 2030, các định hướng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm phá rừng và diện tích đất nông nghiệp, các cơ hội tiềm năng giảm nhẹ GHG, các phương án chính sách thích ứng.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu cắt giảm CO2 trên đơn vị GDP, mức cắt giảm 40 – 45% vào năm 2020 bắt đầu từ 2005. Trung Quốc đang thúc đẩy một chương trình nghiên cứu về nền kinh tế cacbon thấp mở rộng, gắn kết với nghiên cứu đã hoàn thành trước đây về việc áp dụng công nghệ thu giữ cacbon trong sản xuất điện. Thêm vào đó, các ưu tiên của Trung Quốc định hướng vào việc giảm cường độ năng lượng (Energy intensity) với mục tiêu giảm 20% trong vòng 5 năm. Các nghiên cứu cũng đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các ngành đặc thù, với các định hướng tăng trưởng cacbon thấp và mục tiêu cụ thể cho 5 năm.
Các mục tiêu nghiên cứu của Trung Quốc là hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả, cách thức phát triển cacbon thấp và gắn với đó là các chính sách. Ba chính sách quan trọng nhất là: (i) Tháo gỡ các rào cản tài chính và học hỏi thực tiễn các nước trong việc phát triển điện chạy than hiệu quả, giảm phát thải; (ii) Đánh giá hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiểu quả, những tác động xã hội và kinh tế của các phương án chính sách; (iii) Đánh giá lại các mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo, mục tiêu tăng trưởng, các vấn đề chính sách liên quan cản trở thực hiện kế hoạch 5 năm.
Ấn độ đặt mục tiêu quan tâm vào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các nghiên cứu hướng đến tạo dựng mô hình theo chiều từ dưới lên, với tăng trưởng cacbon thấp (low carbon Growth). Các nghiên cứu cũng đưa ra các kết quả so sánh với lượng phát thải CO2 của Ấn Độ với các nước có điều kiện tương đồng, xem xét các công nghệ điện chạy than sạch, so sánh phát thải GHG với việc thành lập các nhà máy thủy điện và nhu cầu sử dụng điện, đánh giá chi phí hiệu quả (cost-effectiveness assessment) của các phương án giảm thiểu.
Kết quả của các nỗ lực bước đầu đã đưa Ấn Độ đến gần nền kinh tế cacbon thấp. Ấn Độ hiện là quốc gia có lượng phát thải GHG đầu người thấp nhất thế giới, cường độ năng lượng của nền kinh tế thấp hơn 20% so với trung bình thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện đang thiếu hụt năng lượng, khoảng 400 triệu người chưa được tiếp cận với điện quốc gia, khoảng 800 triệu người sống dưới mức 2USD/ngày và khoảng 75% hộ gia đình còn đang sử dụng năng lượng đun nấu theo cách truyền thống.
Indonesia hướng trọng tâm vào phát triển bền vững. Indonesia có kế hoạch sử dụng năng lượng biến đổi (hạt nhân) để giảm cường độ năng lượng, cùng lúc với cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Indonesia có chính sách tín dụng cacbon (carbon credit) nhằm giảm phát thải từ việc phá rừng và suy giảm tài nguyên rừng (REDD), khuyến khích chuyển giao công nghệ và đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, sử dụng công cụ tài chính cacbon một cách hiệu quả.
Mehico đặt trọng tâm vào chương trình giảm nhẹ, xem xét tổng hợp các lợi ích kinh tế xã hội và môi trường (cobenefits). Bốn lĩnh vực nghiên cứu quan tâm nhất là: (i) Giao thông, đặc biệt mô hình chia sẻ giao thông công cộng đô thị và sử dụng hiệu quả nhiên liệu; (ii) Công nghiệp sản xuất điện, đặc biệt đồng phát với chi phí năng lượng rẻ và phát triển năng lượng tái tạo; (iii) Sử dụng hiệu quả năng lượng trong cộng đồng, công nghiệp, và lĩnh vực công cộng, (iv) Sử dụng đất, có khả năng tạo ra tiềm năng giảm thiểu cacbon.
II.TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CACBON THẤP Ở VIỆT NAM.
Với hơn 3.200 km bờ biển và thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió khá tốt. Tuy nhiên, cho đến nay nguồn dữ liệu cơ bản về năng lượng gió ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm, thu thập đầy đủ và chính xác.
Năng lượng gió
Năm 2001, Ngân hàng Thế giới (WB) khởi xướng đề án xây dựng bản đồ năng lượng gió cho bốn quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Trong nghiên cứu này, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất trong 4 nước. Hơn 39% lãnh thổ Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6m/s tại độ cao 65m, tương đương với 513GW. Hơn 8% lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt.
Theo Đề án “Quy hoạch tiềm năng năng lượng gió để phát điện” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió của Việt Nam vào khoảng 1.785 MW.
Tiềm năng kỹ thuật NL gió của Việt Nam
– Miền Bắc : 50
– Miền Trung : 880
– Miền Nam : 855
* TỔNG :1.785
(Nguồn: Viện Năng lượng)
Năng lượng sinh khối
Việt Nam có nhiều loại sinh khối có thể sử dụng một cách hiệu quả để làm năng lượng và sản xuất điện. Các loại sinh khối chính của Việt Nam gồm: (i) củi gỗ; (ii) phế thải từ cây nông nghiệp; (iii) chất thải chăn nuôi; (iv) rác thải đô thị; (v) các loại chất hữu cơ khác.
Nguồn sinh khối hiện vẫn chiếm tỷ lệ trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn quốc. Các lĩnh vực sử dụng NLSK hiện nay như sử dụng gia đình 76%, còn lại khoảng 34% là cho nhu cầu khác của công nghiệp/tiểu thủ CN.
Thủy điện nhỏ của Việt Nam
Có 2 loại tiềm năng là tiềm năng lý thuyết và tiềm năng kỹ thuật. Tiềm năng lý thuyết là năng lượng tiềm tàng của dòng nước tính từ thượng nguồn đến cửa sông. Tiềm năng kinh tế kỹ thuật (tiềm năng khả thi) là năng lượng có thể khai thác được về kỹ thuật và có hiệu ích về kinh tế.
Theo đánh giá của Viện Năng lượng, tổng tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ Việt Nam tương đương khoảng 1.600 – 2.000 MW công suất lắp đặt (tính với các trạm có công suất lắp đặt N < 10 MW/trạm), chiếm 7 – 10% tổng trữ năng nguồn thủy điện.
Theo quy mô công suất lắp đặt, loại thủy điện nhỏ có công suất lắp đặt từ 100 – 10.000 kW/trạm, gồm 500 trạm, với tổng công suất lắp đặt 1.400 – 1.800 MW (chiếm 87 – 90% tổng công suất nguồn thủy điện nhỏ).
Loại thủy điện nhỏ có công suất trạm từ 5 – 100 kW/trạm, có 2.500 địa điểm, có tổng công suất lắp đặt khoảng 100 – 150 MW (chiếm 5 – 7% trữ năng TDN). Loại thủy điện cực nhỏ có công suất < 5 kW/tổ máy có khoảng 1.000.000 địa điểm, với tổng công suất lắp đặt 50 – 100 MW (chiếm 2-5%).
Theo kết quả phân ngưỡng công suất TĐN của Bộ Công Thương, tiềm năng kỹ thuật TĐN ở Việt Nam với các gam công suất từ 0,1MW – 30MW có khoảng trên 1.050 nhà máy.
Năng lượng mặt trời
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa giữa vĩ độ 80N và 240N, do đó có nguồn năng lượng mặt trời khá dồi dào và thuận tiện cho việc ứng dụng. Cường độ bức xạ bình quân năm là 1346,8 – 2153,5 kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình năm là 1.600 – 2.720 h/năm.
Tuy nhiên, lượng bức xạ mặt trời trên mặt đất tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Giữa các địa phương nước ta có chênh lệch đáng kể về bức xạ mặt trời. Cường độ bức xạ ở phía Nam thường cao hơn phía Bắc.
Địa nhiệt ở Việt Nam
Những vùng có tiềm năng địa nhiệt lớn là Tây Bắc, Đông Bắc, đặc biệt là khu vực miền Trung như: Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định), Tu-Bông, Đảnh Thạnh (Khánh Hòa)… Đây là những địa điểm tiềm năng cho các dự án điện địa nhiệt.
Theo kết quả nghiên cứu của Đề án “Đánh giá tài nguyên địa nhiệt làm cơ sở thiết kế và khai thác sử dụng thử nghiệm vào mục đích năng lượng ở một số vùng triển vọng” do Tổng cục Địa chất thực hiện năm 1983 đã tổng hợp được tài liệu của các nguồn nước nóng trong toàn quốc, đánh giá tiềm năng địa nhiệt và phân vùng triển vọng ứng dụng nguồn năng lượng này.
Theo số liệu thống kê đến năm 2000, ở Việt Nam đã phát hiện 269 nguồn nước nóng, trong đó có 140 nguồn nước ấm, 84 nguồn nước nóng vừa, 41 nguồn nước rất nóng và 4 nguồn nước quá nóng. Các nguồn địa nhiệt phân bố có mật độ khác nhau theo vùng địa lý nhiều nhất ở miền Trung Việt Nam.
Thủy triều
Các nghiên cứu về thủy triều ở Việt Nam cho thấy, tiềm năng năng lượng thủy triều của Việt Nam không lớn như các nước. Có một số địa điểm thuận lợi, song biên độ giao động sóng nhỏ (chỉ khoảng 1m), và chế độ thủy triều yếu. Trữ lượng thủy triều của Việt Nam ước 1,6 tỷ kWh/năm, tập trung chủ yếu ở bờ biển Quảng Ninh (khoảng 1,3 tỷ kWh/năm). Theo tính toán, từ đây đến 2025, năng lượng thủy triều chưa đưa được vào khai thác ở Việt Nam.
Phát triển điện hạt nhân
Điện nguyên tử đang được đánh giá là nguồn phát thải ít cacbon nhất. Việt Nam đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận 1, công suất 2.000 MW, trong tổ hợp 4.000 MW, gồm 2 nhà máy tại Ninh Thuận. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Việt Nam, một trong hàng loạt nhà máy điện nguyên tử sẽ ra đời từ đây đến 2030.
Theo định hướng phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1.000 MW sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện). Đã quy hoạch 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 – 6 tổ máy điện hạt nhân.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ thu giữ cacbon (CCS)
Công nghệ thu giữ cacbon (CCS) là quá trình thu hồi cacbon dioxide từ nguồn thải lớn của công nghiệp thải ra môi trường, sau đó vận chuyển và lưu giữ tại các bể chứa nằm sâu trong lòng đất. Các ngành công nghiệp thải nhiều cacbon như điện than, điện, khí và một số ngành công nghiệp khác là đối tượng của công nghệ thu giữ cacbon.
Công nghệ thu cacbon trên thế giới hiện tiếp cận theo 3 hướng: (i) Thu giữ sau đốt, (ii) Thu giữ trước khi đốt và (iii) Đốt bằng nhiên liệu chứa oxy. Các công nghệ hiện tại có thể thu giữ tới 85-90% lượng phát thải cacbon từ các nhà máy điện.
Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong triển khai và ứng dụng công nghệ thu giữ cacbon, do cơ cấu công nghiệp sử dụng than đang tăng nhanh. Hiện tại, Bộ Công Thương đang thực hiện dự án đánh giá tiềm năng này cùng ADB và một số trương trình dự án khác.
Kết luận
Điểm mấu chốt trong các chương trình phát triển công nghiệp cacbon thấp đó là đưa ra các chính sách phù hợp. Chính sách là định hướng, đồng nghĩa với việc mở ra các cơ hội thị trường nhằm kích thích phát triển. Phát triển công nghiệp cacbon thấp là hướng phát triển bền vững và hạn chế phát triển công nghiệp phát thải nhiều cacbon, tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường.
Các nước thường sử dụng công cụ thuế hay tài chính cacbon nhằm đánh thuế vào các ngành sản xuất truyền thống, phát thải nhiều cacsbon, tạo ra khoản ngân sách để bù đắp cho các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp cacbon thấp. Đó là bài toán cân đối khó khăn ảnh hưởng đến các nhóm lợi ích nên không dễ có được sự thỏa hiệp. Do vậy, để đánh giá tính khả thi của các chính sách cần có các nghiên cứu sâu hơn về lợi ích chi phí của các chính sách phát triển cacbon thấp hiện nay, làm cơ sở cho việc ra đời các chính sách.
Mỗi nước cũng có những ưu tiên riêng trong chính sách phát triển công nghiệp cacbon thấp. Trung Quốc đặt ưu tiên vào giảm cường độ năng lượng, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng, trong khi một số nước khác hướng ưu tiên vào việc thay đổi cách thức sử dụng đất và giảm suy kiệt tài nguyên rừng. Sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo là mục tiêu trọng tâm của nhiều quốc gia.
Trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, việc xem xét lựa chọn ưu tiên trong bước đi đầu tiên hướng đến nền kinh tế cacbon thấp là rất quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ kinh nghiệm các nước trong việc xác lập các mục tiêu ưu tiên phù hợp. Kinh nghiệm phát triển công nghiệp cacbon thấp trên thế giới cho thấy cần thiết phải có sự chuẩn bị các điều kiện hạ tầng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
Phần lớn các nước đi cùng chính sách phát triển đã dành các khoản đầu tư rất lớn cho khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp các bon thấp của Việt Nam là tương đối khả quan và dồi dào với lợi thế đường biển dài, nhiều gió, nhiều giờ mặt trời chiếu sáng và ngành năng lượng sinh khối đầy hứa hẹn…
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng hạt nhân hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau do sự rủi ro của nó và tác động khó lường nếu để thảm họa xảy ra nên Việt Nam cần phải tính toán thận trọng.
Năng lượng mặt trời hiện nay còn khá đắt, nhưng tiềm năng là rất lớn với các ứng dụng như pin mặt trời, bình nước nóng… Phát triển công nghệ sinh khối biến những rác thải công nghiệp, nông nghiệp và đô thị trở thành nguồn năng lượng bổ sung là một hướng đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, ngành chăn nuôi với chương trình biogas đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Năng lượng địa nhiệt mới được sử dụng chủ yếu làm nguồn nước nóng phục vụ du lịch và gia đình, nhưng chưa được sử dụng ở quy mô công nghiệp. Dù có bờ biển dài, nhưng năng lượng thủy triều ở Việt Nam vẫn chưa được tận dụng.
Một số nghiên cứu cần phải làm sâu hơn, là tiền đề phát triển ngành công nghiệp các bon thấp tại Việt Nam:
1. Cần thiết phải có chương trình nghiên cứu tổng thể về phát triển công nghiệp cacbon thấp, làm cơ sở để xác lập kế hoạch hành động và điều chỉnh chính sách.
2. Xác lập các mục tiêu ưu tiên phù hợp và khả thi trong điều kiện Việt Nam, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư có hạn.
3. Cần phải có nhiều sáng kiến chính sách, các chính sách đột phá để tháo gỡ khó khăn và tạo dựng thị trường cho phát triển, đặc biệt thị trường CDM.
4. Chú trọng phát triển hạ tầng hỗ trợ phát triển, trong đó đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nhấn mạnh đến công nghệ tiêu thụ ít năng lượng, công nghệ sạch và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
5. Kết nối các chính sách nhằm tạo ra khuôn khổ các chính sách phát triển công nghiệp cacbon thấp, và cần cụ thể hơn bằng luật.
Tài liệu tham khảo
1. Viện năng lượng (2005); Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng mới và tái tạo ở Việt Nam đến 2015, tầm nhìn đến 2025.
2. Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (2011); Điều tra đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp cacbon thấp ở Việt Nam.
3. Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiêp (2010); Điều tra đánh giá tiềm năng sản xuất nhiên liệu sinh học từ nguồn sinh khối.
4. Tập đoàn Điện lực Việt nam (2010); Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII
Theo NANGLUONG VIETNAM