Nhân viên BÌNH THƯỜNG chọn công ty, nhân viên VĨ ĐẠI chọn Sếp
Không có mô tả ảnh.
Xưa nay trong doanh nghiệp, cái tầm nhìn, cái sứ mệnh, người ta cứ mặc nhiên coi là vấn đề của sếp, của công ty. Thế nên mới có cụm từ “đi xin việc”, thay vì “đi chọn việc” và đỉnh cao hơn là đi tìm minh chủ, tìm Sếp.
Người biết tự nhận thức, có khả năng và bản lĩnh thường đi tìm sếp mà đồng hành, giúp cho công ty phát triển và khẳng định giá trị của bản thân. Ngược lại có người nhảy hết công ty này, bay sang công việc khác hòng có thêm chút thù lao, thu nhập, phúc lợi, rồi cuối cùng cũng chỉ quẩn quanh, quanh quẩn với mấy cái cơm áo gạo tiền đến lúc tàn canh.
Vì sao lại có nghịch lý như vậy, cũng chỉ bởi cái chữ “tầm nhìn và sứ mệnh”. Đừng tưởng chỉ có sếp mới có tầm nhìn và sứ mệnh, mà chính nhân viên cũng có tầm nhìn sứ mệnh. Vậy cái tầm nhìn sứ mệnh của nhân viên là cái gì? (Mình miễn bàn đến cái tầm nhìn – sứ mệnh lớn lao của công ty nhé!)
Tầm nhìn của nhân viên là gì? Đó là cách nhìn người, cụ thể là sếp (minh chủ).
“Đi xin việc” mà cVo nhăm nhăm vào mấy cái câu hỏi: Công ty có to không? Vị trí có trung tâm không? Gần hơn là lương em bao nhiêu, có hỗ trợ xăng xe, ăn trưa không…? Mà quên mất xem sếp mình là ai, người đó có thể đi được dài không, có làm cho mình phát triển …?, kết quả không chóng thì chày, lâu thì dăm bữa nửa tháng, ngon ngon thì một vài năm, bòn mót được ít mẹo vặt gắn cái mác kinh nghiệm là ta tìm đường nhảy việc. Vì tầm nhìn chỉ luẩn quẩn quanh cái lợi ích của bản thân.
Vậy chọn sếp thế nào?
Trước tiên giá trị cốt lõi của sếp, nếu bạn không tìm thấy sự tương đồng về giá trị cốt lõi, tốt nhất không nên theo đuổi? Ví dụ bạn là người chân thành, đề cao tối thượng sự chân thành, nhưng sếp bạn coi thường điều đó, thì hãy dừng lại. Tuy nhiên có thể giá trị cốt lõi đôi lúc không khớp nhau, nhưng miễn là không đối nghịch nhau là được.
“Tầm và tài”, thiên hạ xưa nay hay nhắc đến chữ “lãnh đạo tầm-tài”, quả thực rất quan trọng nhưng theo mình chưa phải là thứ quan trọng nhất, bởi cái tầm, cái tài không phải ngày một ngày hai mà phát tiết : “vĩ nhân chỉ khác người thường 1%”, nên làm sao ta nhận ra ngay được. Thế nên nhân viên sẽ rất ngạc nhiên về mấy cái thằng bạn học cùng cấp III năm xưa dốt như bò, suốt ngày nhòm bài mình, mà bây giờ thành những ông chủ lớn, có hàng trăm nhân viên, hàng tá kỹ sư cử nhân thạc sỹ dưới quyền. Ấy đấy: cái công ty to đùng Facebook của anh Zuckerberg và Microsoft của ông Bill Gate mà bao nhiêu người khát khao vào xin việc, nhưng liệu bao nhân viên nhìn thấy “tầm-tài” của hai ông sếp này, nếu được mời đến phỏng vấn khi công ty họ ở trong gian phòng của ký túc xá và 1 góc nhỏ của garage. Nên muốn xây chiến công, dựng đại nghiệp đừng chỉ nhìn vào mỗi cái công ty hoành tráng, sếp đi siêu xe… những chỗ đó đã có nhiều nhân viên vĩ đại rồi, bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua không? Bạn không từng chia đắng sẻ cay với sếp, thì đâu có ngày cùng hưởng vinh hoa phú quý, chia ngọt sẻ bùi: cái gì cũng có giá, chỉ có cái “giá mà” là không có giá mà thôi!
Cái cuối cùng, cái quan trọng nhất, dù có thiếu gì thì thiếu, nhưng không thể thiếu cái này, nói nôm nói na là cái “tín nghĩa”, người coi trọng chữ tín và sống có nghĩa có tình, sẽ không bỏ rơi bạn trong những hoàn cảnh khó khăn, người bạn có thể đồng hành đến suốt đời, đồng cam cộng khổ, nếm mật nằm gai, chia ngọt sẻ bùi.
Tìm được người này, gắng mà tận trung, tận sức đóng góp cho công ty phát triển, chắc chắn bạn sẽ trở thành “nhân viên vĩ đại”. Nếu có duyên nghiệp làm nhân viên vĩ đại, thì hãy yên ổn mà làm, làm sếp chẳng sung sướng gì đâu, trong khi một nhân viên vĩ đại vẫn đạt được tất cả những thứ mà sếp mơ ước. Nói thì tưởng đùa, nhưng đó là sự thực:
Người đời hay nhắc đến tài năng và trí tuệ của Chu Du, chứ không phải ai cũng biết sếp của Chu Du là Tôn Quyền? Thiên hạ coi trọng và tôn vinh tài trí của Khổng Minh hơn cả sếp mình là Lưu Bị, đến Quan Vũ là nhân viên của Lưu Bị còn được xếp vào hàng thánh nhân. Đấy là chuyện của Tàu, còn chuyện của ta cũng không thiếu những ví dụ nhãn tiền: người Việt mình ai chẳng biết đến Nguyễn Trãi, nhưng chưa chắc đã biết sếp của Nguyễn Trãi là vua nào? Người người bái lạy tôn thời Thánh – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng chưa hẳn đã biết sếp của ngài là ai. Vậy há chẳng phải nhân viên vĩ đại hơn hẳn sếp?!
Làm sếp cũng là cái số phải làm, cái nghiệp phải trả.
Sứ mệnh của nhân viên:
Dù làm việc lớn nhỏ, mà không tìm được sứ mệnh, thì dù có làm cả đời vẫn chỉ đạt mức thường thường bậc trung. Vậy sứ mệnh của nhân viên là gì?
Trước tiên làm ở ví trí nào, thì làm tròn vai lo cho công việc sạch sẽ, đừng để sếp phải bận tâm mà lo hót rác, nhắc nhở nhiều lần mà cứ trơ trơ.
Sau đó là tìm cách cải tiến công việc, cầu thị trở thành người giỏi nhất trong công việc cụ thể đó, thế là đã tìm ra sứ mệnh rồi đấy. Vậy nên, kể cả khi không có tầm nhìn, thì cũng cần có sứ mệnh mới mong làm được cái gì nó ra hồn, không trở thành vĩ đại, thì cũng thành nhân viên suất sắc rồi.
Nói đến đây mình lại nhớ đến 2 từ: để tâm và hời hợt.
Người biết để tâm làm việc gì cũng trọn vẹn gọn gàng. Người dù không có tài năng kiệt suất đi chăng nữa, vẫn có thể được thăng tiến đều đặn trong công ty. Cái này nó cũng liên quan đến owner’s mindset (Tư duy làm chủ, coi thiệt hại của công ty là thiệt hại của mình).
Người hời hợt: Làm gì qua quýt để bịt mắt người đời, trong giờ làm thì chơi games chat chít mà mặt cứ cắm vào máy tính ra vẻ ta đây bận lắm, làm cái gì thiếu và hay nguỵ biện lý giải cho sai lầm. Sự hời hợt sẽ biến đối tượng này con người mờ nhạt, mà đỉnh cao của mờ nhạt là “biến thái” – biến mất trong trạng thái chết lâm sàng.
Chim khôn chọn cành mà đậu
Người khôn chọn bạn mà chơi
Nhân viên khôn chọn sếp mà phò
( sưu tầm)